A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà thờ dòng họ Nguyễn - Di tích lịch sử lưu niệm danh nhân cấp Thành phố

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 28 km, thôn Chi Nê thuộc xã Trung Hòa, Chương Mỹ được mệnh danh là một “Đại khoa hương” bởi bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học, khoa bảng. Dưới thời phong kiến, làng Chi Nê có 11 người đỗ đại khoa. Trong đó dòng họ Nguyễn tự hào có ba vị đỗ đại khoa là Nguyễn Nhuận, Nguyễn Hy Tái và Nguyễn Quốc Bảo.

Họ Nguyễn ở Chi Nê là một gia tộc lớn, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Từ cuối thế kỷ XV, cụ tổ Nguyễn Thúc Đới (hiệu Thuần Phủ Quân) từ Ái Châu – Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa) về sinh cơ lập nghiệp tại thôn Chi Nê. Trải qua hơn 500 năm với nhiều thăng trầm của lịch sử, họ Nguyễn ở Chi Nê đến nay đã có tới 19 đời nhưng vẫn giữ gìn được nền nếp, gia phong. 

Di tích nhà thờ họ Nguyễn tọa lạc tại vị trí trung tâm làng, đối diện đình làng thôn Chi Nê. Nhà thờ có tổng diện tích 597,7m2 xung quanh là khu dân cư quần tụ, được quy hoạch gọn gàng, các hạng mục công trình: Cổng, tiền tế, hậu cung, nhà khách, sân vườn và các hạng mục phụ trợ...mang đậm nét cổ kính và bản sắc văn hóa lâu đời. Để con cháu không quên gốc nguồn, biết phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tộc, vấn tổ tầm tông, cố kết gia tộc, các thành viên trong gia tộc đã sớm có ý hướng lưu giữ trên bia đá, nêu đại lược tên tuổi, chức vị từng vị, còn có gia phả ghi chép. Tại nhà thờ dòng họ Nguyễn hiện còn lưu giữ 4 tấm bia đá, trong đó tấm bia “NGUYỄN TỘC KHOA PHẢ KÝ” đặt chính giữa nhà thờ trong hậu cung, 3 tấm bia còn lại ghi về việc giỗ chạp các vị trong dòng họ đặt ở gian bên phải Tiền tế. Trong đó, văn bia – “Nguyễn tộc khoa phả ký” (niên hiệu Tự Đức thứ 22 – 1869) là một trong những văn bia lâu đời nhất còn lưu giữ được ghi về việc khoa cử của dòng họ. Trên văn bia ghi chép tên 29 vị khoa cử dòng họ. Họ Nguyễn ở Chi Nê khởi nghiệp bằng nghiệp khoa cử với những nhân vật đạt những thành tựu cao. Truyền thống khoa cử bắt đầu và đạt đến đỉnh cao ở cụ Nguyễn Nhuận đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa năm thứ 3 (1637), làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Nhập thị bồi tụng, tước tử, phụng mệnh đi sứ [nhà Thanh] mất trên đường đi, được truy tặng Công bộ Thượng thư, Phương Nham hầu. CNguyễn Hy Tái đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Canh Dần niên hiệu Khánh Đức năm thứ 2 (1650). Sự nghiệp khoa danh của dòng họ đến thời Tự Đức thứ 22 đã ghi danh 2 cụ đỗ Tiến sỹ, 13 cụ đỗ Hương cống, 14 cụ là Sinh đồ. Qua những thông tin lưu giữ trên các văn bia, không chỉ giúp người trong họ tộc hiểu rõ về truyền thống khoa bảng của dòng họ, mà còn có ngụ ý giáo dục ý thức đối với tổ tiên, tinh thần tương thân tương ái trong gia tộc, lòng vị tha bác ái và tư tưởng “ thiện giả thiện lai, ác giả ác báo”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng họ Nguyễn ở Chi Nê đã đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, góp sức vào phong trào cách mạng, con em dòng họ Nguyễn ở Chi Nê đã hăng hái lên đường nhập ngũ, đã có 12 liệt sĩ hi sinh (trong đó có 04 Liệt sĩ chống Pháp, 08 Liệt sĩ chống Mỹ); 01 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 người là thương bệnh binh, 2 người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Đó là những đóng góp quý báu cho độc lập, tự do của dân tộc. Trong những năm giặc Mỹ ném bom Miền Bắc (1964-1972), nhà thờ họ Nguyễn là nơi sơ tán của chuyên gia quân sự Liên Xô và nơi lưu giữ tài liệu của nước Lào.

Trải qua thời gian lâu dài, các đời trong dòng họ với nhiều vị, nhiều ngày giỗ khác nhau, dòng họ ngày nay không thể tổ chức lễ giỗ của từng vị, do vậy, lễ trọng của dòng họ định lễ vào ngày 24 tháng Mười âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ.

Hiện nay, họ Nguyễn ở Chi Nê có hơn 400 hộ với khoảng 900 đinh, 1800 nhân khẩu.Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, lớp lớp thế hệ sau có rất nhiều người thành danh, đỗ đạt, đạt các học hàm, học vị cao, là gương sáng trong dòng họ. Tổng số có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng 358 người; trong đó: Tiến sỹ 01, Thạc sỹ 16, Đại học 150, Cao đẳng 86, đang học các trường Đại học, Cao đẳng 105 người. Năm 2008, Quỹ khuyến học của dòng họ Nguyễn được thành lập. Hàng năm, dòng họ đều tổ chức trao thưởng ngay tại nhà thờ vào ngày mồng 4 tháng Chạp, để tuyên dương, khích lệ động viên con cháu không ngừng học tập, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học đầy tự hào của cha ông, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Cùng với dòng chảy của lịch sử, nhà thờ họ Nguyễn vẫn đứng uy nghiêm, cổ kính như một chứng nhân lịch sử của một dòng họ danh giá ở Chi Nê. Cùng với vẻ đẹp trường tổn của các công trình kiến trúc, những hiện vật, di vật quý như bia đá, hoành phi, câu đối, đồ đồng, đồ đá, đồ sứ…tại nhà thờ cũng được bảo tồn và bảo quản trong tình trạng tốt. Với những giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa, ngày 17/02/2025 nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ đã vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân.

Bên cạnh những giá trị hữu hình, có một vẻ đẹp vô hình lan tỏa như một mạch nước ngầm len lỏi, thấm đẫm qua các thế hệ. Đó chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ, luôn được nâng niu, bồi đắp và trao truyền qua từng thế hệ. Nhà thờ họ Nguyễn ở Chi Nê như một cây cầu kết nối giữ quá khứ và hiện tại; như ngọn hải đăng để con cháu bốn phương cùng hướng về./.


Tập tin đính kèm
Tập tin đính kèm
Tập tin đính kèm
Tập tin đính kèm
Tác giả: Trương Thị Thủy
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 13
Tháng 04 : 368
Tháng trước : 676
Năm 2025 : 2.848